Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá cao Dự thảo Hiến pháp sửa đổi, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ, hoàn thiện. Trong đó, đại biểu tập trung thảo luận sâu về kết cấu, cách bố trí, sắp xếp các Điều trong Hiến pháp chưa phù hợp, một số từ ngữ sử dụng chưa thật sự hợp lý, chưa rõ nghĩa; các đại biểu đề nghị bổ sung thêm Quốc hiệu của đất nước; trong Hiến pháp quy định, hướng dẫn về Quốc kỳ, Quốc huy là chưa cụ thể, chưa rõ, khó áp dụng đồng nhất trong thực tế; về vấn đề thu hồi đất quy định còn thiếu, chưa thống nhất với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi); việc trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định chưa chặt chẽ,…
Vấn đề về quyền con người, quyền công dân, đại biểu cho rằng Hiến pháp bổ sung Điều mới "Mọi người có quyền sống" là chưa đủ, bởi ngoài quyền sống, mọi người có quyền được học tập, lao động và mưu cầu hạnh phúc. Ngoài ra, đề nghị cần bổ sung thêm việc thành lập Tòa án Hiến pháp để xử lý những người có hành vi vi phạm Hiến pháp…
Phát biểu tại Hội nghị, ông Lâm Quang Gẫm, Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh đánh giá cao việc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến của cán bộ, công chức cơ quan vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; nhiều ý kiến đại biểu đặt ra để bổ sung, chỉnh sửa từ ngữ trong Hiến pháp là rất thiết thực phù hợp với thực tế hiện nay. Tuy nhiên, các đại biểu chưa quan tâm đóng góp nhiều ý kiến vào dự thảo Luật đất đai (sửa đổi), đề nghị cán bộ, công chức cơ quan tiếp tục dành thời gian để nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai (sửa đổi). Sau Hội nghị, Văn phòng sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp của cán bộ, công chức gửi về Thường trực HĐND tỉnh theo quy định.
Minh Đương